Powered By Blogger

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018




VÀI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ
“NỖI NIỀM MÙA THU” CỦA TÁC GIẢ KHANG SAO SÁNG 
                                                            (Nguyễn Thị Phương Anh)

Thời gian ngân ngấn vào thu
Heo may khát bóng tình ru hoa hồng
Lúa xanh dan díu thương đòng
Giọt sương ướt cỏ còn không câu thề
Theo chồng em biệt xa quê
Anh như chiếc lá vụng về gió lay
Hồn thu ngọt nắng đong đầy
Lại mơ con mắt đắm say thuở nào
Lại thương váy ngắn má đào
Lại yêu chân bước lao xao chiều buồn
Nỗi niềm như cỏ tơ vương
                   Níu thu vào với đêm trường đợi trăng.                                    
                                      
        Mùa thu là mùa của ngọn gió heo may, của chiếc lá vàng bay về cội, của cặp tình nhân hội tụ sau bao chờ đợi nhớ thương... Mùa thu cũng là mùa để các thi nhân làm nên những giai phẩm tuyệt vời...
        Không phải ngẫu nhiên mà những nhà thơ nổi tiếng Việt Nam đều đã để lại những áng thơ rất hay về mùa thu. Nguyễn Khuyến với chùm ba bài: "Thu vịnh" "Thu điếu" "Thu ẩm", Tản Đà với "Gió thu", Xuân Diệu với hai thi phẩm "Đây mùa thu tới" “Thơ duyên”, và bài thơ “Tiếng thu” của tác giả Lưu Trọng Lư… Tuy mỗi tác giả có một cách cảm nhận riêng về mùa thu đất Việt, nhưng đều chung một tình yêu sâu nặng đối với cảnh vật quê hương, chung một tâm hồn vừa lãng mạn bay bổng, vừa chất chứa nỗi niềm nhân thế.
        Nối tiếp các tiền nhân, nhà thơ thời đương đại vẫn coi mùa thu là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác của họ. Có thể kể rất nhiều những tên tuổi trong giới tác giả. Nhưng ở khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ xin đi sâu cảm nhận bài thơ của một người đã ghi danh mình vào giới văn nghệ sĩ đất Hà thành. Đó là nhà nhà thơ Khang Sao Sáng với thi phẩm "Nỗi niềm mùa thu".
        Từng là chiến sĩ công an gắn bó nhiều năm với phố phường Hà Nội, nhưng quê hương của tác giả Khang Sao Sáng lại là mảnh đất ngoại thành Đông Anh, nơi vẫn còn những cánh đồng xanh điểm trắng cánh cò, có giọt sương đêm đẫm trên lá cỏ những buổi mai thu... Vì thế, cảnh thu trong cảm nhận nhà thơ, vừa có vẻ mộc mạc thôn quê, vừa có nét đẹp buồn sang trọng, song không kém phần hiện đại của cảnh sắc nơi thị thành. Điều đó lý giải vì sao bên cạnh hình ảnh "hoa hồng", em "váy ngắn má đào” bước trên hè phố "lao xao" lá rụng trong buổi "chiều buồn"... lại có cánh đồng "lúa xanh", "giọt sương ướt cỏ"... Điều đó đã tạo nên một không gian nghệ thuật khá đặc biệt cho thi phẩm.
         Nhưng sức nặng trữ tình bài thơ không nằm ở sự đặc biệt trên, mà là ở những xúc cảm tình yêu được gửi gắm trong cảnh, qua những vần điệu lục bát mượt mà say đắm.
       Mở đầu là câu thơ nói về thời gian: “Thời gian ngân ngấn vào thu”. Từ “ngân ngấn” lạ và có sức gợi. Thời gian đã được “hữu hình hóa”, như đang từng chút một dần đầy dâng để cập mùa mong đợi- mùa thu. Và khi thu đến, một cảm xúc bỗng bừng lên, ùa về:“Heo may khát bóng tình ru hoa hồng". Lối nói ẩn dụ thật có duyên và ý nhị. Nó không lộ rõ ra “cái mười mươi” là anh đang khát khao về em, đang dành cái tình cho em. Tình cảm ấy vừa mang vẻ chân chất mộc mạc như lúa xanh ngoài đồng, vừa lóng ngóng vụng về như ngọn gió chớm mùa chưa biết cách làm bay cánh lá. Nó rất giống cảm xúc của một anh trai quê lần đầu yêu và thật khó khăn để bộc lộ tình yêu của mình. Những câu thơ: "Hồn thu ngọt nắng đong đầy/  Lại mơ con mắt đắm say thuở nào/  Lại thương váy ngắn má đào/ Lại yêu chân bước lao xao chiều buồn" làm người đọc thấy được, chính cái se se lạnh của ngọn gió heo may và không gian “đong đầy” nắng ngọt đã làm sống lại những cảm xúc tưởng lui vào dĩ vãng, để chàng trai “Lại mơ”,“Lại thương”,“Lại yêu”… Người đọc cũng đoán được, người chàng trai “thầm yêu trộm nhớ” là một cô gái phố thị bây giờ đã “Theo chồng”. Ở cô, từng toát lên vẻ đẹp hiện đại, rực rỡ đầy quyến rũ:“con mắt đắm say”,"váy ngắn má đào", bước đi trong “lao xao”  nắng lá chiều thu… Có lẽ với chàng trai, cô có sự cuốn hút mê người nhưng lại xa vời không thể nắm bắt... để bây giờ chỉ còn biết tương tư “yêu vụng nhớ thầm”... Hình ảnh so sánh “Nỗi niềm như cỏ tơ vương" rất hay. Nó gợi cái tình mới nảy nở non tơ, gợi cả sự mong manh dễ mất... Câu thơ cuối: “Níu thu vào với đêm trường đợi trăng” thật sự đem lại ấn tượng thẩm mỹ đối với người đọcMột sự chông chênh nên phải níu vào đêm thu cho vững hơn; một sự thiếu hụt nên phải tìm đến trăng thu để bù đắp lại... Vậy là vẫn như muôn xưa, mùa thu (đêm thu, trăng thu) luôn là bạn tri kỷ để gửi gắm tâm tình, là chỗ dựa giúp con người khỏa lấp nỗi trống vắng, vượt qua những lúc khó khăn trong cuộc đời.
        Bài thơ kết lại là một nỗi buồn vời vợi, nhưng không gây cảm giác trĩu nặng, bởi nó được nâng lên hòa nhập vào thiên nhiên cảnh vật, từ đó tỏa ra ánh sáng trong trẻo, lấp lánh, làm mê hoặc lòng người.
        Cám ơn nhà thơ Khang Sao Sáng đã cho tôi đến với cái đẹp của một thi phẩm đượm sắc cảnh mùa thu, cũng là đến với những cảm xúc tinh tế trong tâm hồn con người. Tôi tin rằng với bài thơ này, tác giả đã góp phần làm giàu có hơn kho tàng THƠ MÙA THU của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

                                   …………………………………
                                          
                                                                     
                                                                                



2 nhận xét: