Powered By Blogger

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

CẢM NHẬN VỀ MỘT BÀI THƠ HAIKU CỦA JACK KEROUAC


Vì sao tôi mở mắt
bởi vì
tôi muốn, thế thôi!

(Bản dịch của nhà thơ Đinh Nhật Hạnh)

       Haiku là một thể thơ tuyệt ngắn (3 dòng, tối đa 17 âm tiết). Nó có nguồn gốc từ Nhật Bản và là "đặc sản" của nền văn hóa "đất nước mặt trời mọc". Khoảng cuối thế kỷ 19, cùng với xu hướng mở cửa hội nhập với thế giới, haiku được cách tân và đi những bước đầu tiên vào Âu lục. Trải qua hơn nửa thế kỷ với bao biến động thăng trầm, nó dần được "quốc tế hóa" và ngày càng được đông đảo tác giả, độc giả của nhiều quốc gia tìm đến. Trong đó có Jack Kerouac (Hoa Kỳ)
       Jack Kerouac (1922-1969) sinh sống tại Lowell thuộc tiểu bang Massachusetts. Ông là một nhà văn, nhà thơ đồng thời "là nhà cách tân cuồng nhiệt thơ Haikư ở Mỹ." (Đinh Nhật Hạnh). Ông đã để lại khoảng 800 bài haiku. Nhiều bài đã được dịch và giới thiệu trên trang haikuviet.com
        Là một người yêu thơ haiku và đã bước đầu tập sáng tác theo thể loại này, tôi thật sự hứng thú khi tiếp cận những bản dịch thơ Jack Kerouac của tác giả Đinh Nhật Hạnh. Có không ít bài khiến tôi trăn trở, suy ngẫm. Bài thơ "Vì sao tôi mở mắt/ bởi vì/ tôi muốn, thế thôi!" là một trong số đó. 
        Ngay đầu tiên, tôi hơi bị bất ngờ về đề tài được nêu trong bài thơ. "tôi mở mắt" có gì để nói để nghĩ nhỉ? Nhưng khi đọc trọn vẹn bài thơ, tâm trí tôi có sự vận động khác thường. Những chữ " bởi vì/ tôi muốn, thế thôi!" cứ âm vọng trở đi trở lại, để rồi thôi thúc tôi ngộ ra điều vốn từ lâu lãng quên trong ý thức. Và tôi quyết định ghi lại những dòng cảm nhận này...
        Người đọc không khó để nhận ra mạch logic của bài thơ: Dòng đầu tiên là nêu hiện tượng " tôi mở mắt". Dòng 2 và 3 là lý giải vì sao có hiện tượng đó.
        "mở mắt" vốn là một hoạt động sinh học có ở con người và bất cứ động vật nào. Động thái này mang tính bản năng. Nhưng chẳng có gì đáng nói nếu nghĩ theo chiều hướng đó, nhất là khi nó ở trong thơ, đặc biệt là haiku. Hướng suy tư về những điều sâu xa hơn, ta sẽ nhận ra "mở mắt" chính là hiện diện của một sự sống, là sự khẳng định một cái "tôi" đang tồn tại trên đời. "mở mắt" để thế giới ùa vào đánh thức hoạt động trí não cùng những xúc cảm của mỗi cá nhân...Như vậy, đôi mắt không đơn giản là đôi mắt sinh học mà quan trọng hơn chính là trí tuệ, là tâm hồn con người. Và hai trạng thái nhắm mắt, "mở mắt" phải chăng còn rất ít ý nghĩa về sự khác biệt khi nó nằm trong ý thức chủ động của mỗi chúng ta...  
       Lý giải vì sao "tôi mở mắt", Jack Kerouac nói ngắn gọn "tôi muốn ""Tôi" chứ không phải người sinh thành hay một đấng quyền lực tối cao nào. Cũng không phải do một thứ bản năng sinh học nào thôi thúc. Là "tôi", chính "tôi", muốn sống, muốn "mở mắt" để cảm nhận thế giới, muốn khẳng định chỗ đứng của mình trong vũ trụ. Chính "tôi" quyết định hành động và cuộc đời mình. Nếu "tôi muốn""tôi" sẽ nhắm đôi mắt sinh học của "tôi" để mở to hơn đôi mắt tâm hồn trí tuệ, từ đó cảm nhận ở độ sâu với tầm giác ngộ cao hơn về thế giới... "thế thôi!", nhẹ nhàng đơn giản về câu chữ nhưng có sức nặng khẳng định vai trò quan trọng của sự tự chủ, của cái tôi cá nhân trong mỗi con người. 
     Không đao to búa lớn với ngôn từ trìu tượng nhưng lại khơi được những điều mà có lẽ không ít người lãng quên do biến động thời cuộc hoặc áp chế chính trị nào đó... Đã có một thời, đây đó con người buộc phải hy sinh cái tôi vì cái chung, những mong muốn cá nhân có lúc bị bắt lỗi, ngay cả việc “mở mắt” hay nhắm mắt cũng phải lựa hoàn cảnh, theo ý người khác... Vì thế tự do làm điều mình muốn, mình làm chủ cuộc đời mình, luôn là khát vọng của mọi người. Bài thơ "Tôi mở mắt/ bởi vì/ tôi muốn, thế thôi! " phải chăng được cất lên từ khát vọng ấy...
      Cái tuyệt vời của haiku là tạo những "khoảng trống" để người đọc tự do phát huy trí tưởng tượng, đánh thức những trải nghiệm và tìm ra những vấn đề thiết thực cho bản thân. Điều cảm nhận trên có thể chưa đủ độ sâu sắc, nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ với mọi người và hi vọng được nghe điều mọi người chia sẻ để tôi có thêm những hiểu biết thú vị về bài thơ của Jack Kerouac nói riêng và về thơ haiku nói chung./.
                                                                                                                                                                                          (Nguyễn Thị Phương Anh)
                                                                          

6 nhận xét:

  1. Thưởng thức thơ Haiku của nhà văn, nhà thơ Jack Kerouac!

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn DVD? Gọi là đang tập viết để bày tỏ ý kiến.Còn thô vụng...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Với DVD thì thấy PA viết cảm nhận hay, làm cho DVD cảm nghiệm sâu thêm bài thơ Haiku trên!
      DVD ngẫm nghĩ thêm về sự "nhắm mắt", có nhiều thú vị khi liên kết với tượng "Đui-Điếc-Câm", hi hi hi...

      Xóa
  3. Thật vui khi có 1 độc giả như DVD luôn đồng hành và động viên PA. Cuộc sống nhiều khi rất nặng nề. Một chút văn chương cũng là để lấy lại sự cân bằng... Rất may là còn muốn " mở mắt". " Tôi sẽ nhắm mắt/ khi/ mọi sự kết thúc."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. PA có nghĩ rằng

      Nhắm mắt/là thực sự/mở mắt

      ?

      Xóa
    2. Nhiều khi nhắm mắt để "nhìn" sâu hơn và sẽ vỡ lẽ thêm nhiều điều... Thế đấy! Mọi sự vật, sự việc đều được con người nhìn nhận đa chiều...và ở mỗi góc độ, nó lại mang một ý nghĩa riêng... Cám ơn DVD!

      Xóa