Powered By Blogger

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2019

CAO NGỌC THẮNG VỚI NỖI ƯU TƯ CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ...


        Không phải ngẫu nhiên mà haiku được gọi là "thơ của khoảnh khắc". Đó là lúc tác giả bất chợt "chớp" được một trạng thái của cảnh vật hay của con người... Nó có khả năng tác động mạnh vào tình cảm, đem lại cho người đọc sự nhận thức mang tính đột phá. Tôi tin rằng Cao Ngọc Thắng đã có được cái khoảnh khắc thần thái ấy để viết nên bài thơ: 
                   " Từ chợ về nhà
                    những người đàn bà
                    nét mặt ưu tư."
        Với 12 âm tiết chia đều cho 3 dòng thơ, Cao Ngọc Thắng đưa người đọc đến một hoạt động rất đỗi đời thường của "những người đàn bà" trong gia đình. Đó là đi chợ. Hẳn ai ai cũng đã rất quen hình ảnh người bà, người mẹ, người vợ, người chị... hàng ngày đến chợ mua bán. Họ mua những thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống sinh hoạt của bản thân và gia đình, hoặc buôn bán những vật phẩm phục vụ cho mọi người, kiếm đồng tiền lời lãi mưu sinh. Nhờ có sự đảm đang tháo vát, khéo léo chi tiêu của họ mà ngôi nhà của chúng ta quanh năm đỏ lửa, với những bữa cơm ấm áp tình gia đình. 
         Thông thường, người ta ít để ý hay quan tâm đặc biệt tới những gì đã trở nên quen thuộc. Việc đi chợ vì thế đã không thành điều đáng để suy nghĩ của nhiều người, cả khi có bên mình những người phụ nữ biết âm thầm chịu đựng, lặng lẽ lo toan, hi sinh vì chồng vì con. Họ vẫn vô tư ăn, mặc, chơi, đưa cho bà, cho mẹ, cho vợ... số tiền đóng góp cố định hàng tháng và coi đó là hoàn thành nghĩa vụ với gia đình...
        Nhưng cuộc sống đâu chỉ "trời yên bể lặng". Chợ là nơi hứng chịu đầu tiên của những biến động giá cả, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường. Vui khi mua được đồ ngon giá rẻ. Buồn lúc chịu giá đắt đỏ, phải bớt xén việc chi tiêu. Sợ nhất là tiền có trong tay không lo nổi nhu cầu tối thiểu trong nhà... Tôi đã từng là đứa trẻ hàng ngày ngóng mẹ đi chợ về. Vui biết bao khi được mẹ mua quà, dẫu chỉ là cái bánh đa hay quả ổi, quả chuối... Và buồn thiu khi trong làn của mẹ chỉ là cân muối, chai nước mắm và mớ cá tép để kho ăn dần. Nỗi ưu tư lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt mẹ. Những bữa cơm đạm bạc thiếu vắng tiếng cười...
       Hẳn Cao Ngọc Thắng đã từng có trải nghiệm như vậy lúc còn nhỏ. Lớn lên, lập nghiệp, trở thành người chồng, người cha, hàng tháng đưa tiền lương cho vợ lo toan cuộc sống gia đình. Chắc chắn đã hàng ngàn lần ông thấy cảnh đi chợ về chợ của người phụ nữ. Đã quen. Rất quen. Quen đến vô tâm, không còn để ý... Nhưng đời đã ban cho ông một khoảnh khắc. Khoảnh khắc đồng cảm đến trĩu lòng khi ông đã là một haijin- nhà thơ haiku, để ông đọc thấu điều ẩn sâu trong "nét mặt ưu tư" của người đàn bà khi đi chợ về. Đó là nỗi buồn, sự lo lắng, là trách nhiệm gia đình đè nặng trên vai, là những sóng gió của xã hội đang bám đuổi, phủ u ám lên ngôi nhà bình yên của họ. Có người trong số đó đâu được chồng con chung lưng chia sẻ hay đủ xót xa thương cảm. Và nhiều người đâu chỉ có "nét mặt ưu tư", phiền muộn. Còn những đêm triền miên mất ngủ, còn là công việc làm thêm để tăng thu nhập, ngay cả khẩu phần ăn cũng nhường để thêm miếng cho con... 
        "Haiku cốt ở cái tinh thần, không phải hình thức" (Toshio Kimura). Bài haiku được gọi là hay khi nó lay động trái tim bằng những xúc cảm giàu tính nhân văn, tăng cường nhận thức và thôi thúc con người cần phải làm gì đó để cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ Cao Ngọc Thắng đã có bài thơ như vậy. 

                                                                                           (Nguyễn Thị Phương Anh)  
          
                

3 nhận xét:

  1. Bài thơ thật tuyệt!
    Cảm nhận thật tuyệt!

    Trả lờiXóa
  2. Đi tìm Tinh thần Haiku

    Định nghĩa chính xác về thể thơ haiku trên thế giới gần như là điều không thể. Dẫu chỉ xét trong nước Nhật, ý niệm “thể thơ cố định về bốn mùa” lấy từ bách khoa toàn thư cũng không thể đem áp dụng cho toàn bộ lịch sử haiku Nhật được. Do đó, định nghĩa về haiku hiện đại ở Nhật cũng như trên thế giới nên là “một thể thơ ngắn mang tinh thần haiku truyền thống, bảo tồn những giá trị đậm chất thơ của nó, và đồng thời truy cầu những tinh thần haiku mới”. Bất cứ bài haiku xuất sắc nào cũng biểu lộ ý niệm này. Bởi thế, haiku cốt ở cái tinh thần, không phải ở hình thức: Điểm mấu chốt không nằm ở phong cách mà ở chính cái tinh thần của haiku. Vậy tinh thần haiku là gì? Quả thực, nhận định chính xác điều này cũng thật khó. Tuy nhiên, ta có thể nói rằng đó là một cảm thức mà thể thơ haiku có được từ khởi nguồn của nó, và các thi sỹ haiku có thể cảm nhận một cách vô thức. Sau tất cả, haiku có thể dung hòa cả tinh thần truyền thống lẫn cách tân.

    Toshio Kimura



    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn bạn Đỗ Văn rất nhiều! Không ngờ bạn quan tâm và tìm hiểu sâu về haiku đến vậy. Được nhà thơ Đinh Nhật Hạnh- Chủ nhiệm CLB haiku Việt Hà Nội động viên, PA đang thử nghiệm việc viết cảm nhận về haiku. Có nhiều bài thơ rất hay nhưng PA không dám viết vì suy nghĩ chưa đủ độ sâu. Ngay cả với bài thơ trên, PA viết xong cảm nhận gửi đi rồi, nhưng nghĩ lại vẫn thấy hình như còn điều mình chưa nhận ra...

    Trả lờiXóa