Powered By Blogger

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2021

Đến với bộ sách quý: KÝ ỨC CHIẾN TRANH của Hội Cựu Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội

                                                                                Nguyễn Thị Phương Anh

 

Có những sự thật của một thời mà thế hệ trẻ bây giờ khó có thể tin nổi, vì nó quá lớn lao, quá vĩ đại, giống như huyền thoại vậy, nhất là khi sự thật ấy đã dần xa và bị che phủ bởi lớp bụi đời thường với bao “hỉ, nộ, ái, ố, sân, si”… Nhưng đã là sự thật với giá trị chân chính được khẳng định, thì không được phép lãng quên và phủ nhận. Nó cần phải được ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc, để trở thành niềm tin, niềm tự hào, là điểm tựa vững chắc cho các thế hệ người con đất Việt tiến về tương lai. Suy nghĩ đó đến với tôi khi được đọc những trang KÝ ỨC CHIẾN TRANH thấm đẫm chất bi hùng về một thời chiến trận của Hội cựu bộ đội Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội.

Đó là một bộ sách khá đồ sộ, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, hiện đã có 5 tập. Sách in đẹp, bìa cứng, với độ dày mỗi cuốn trên dưới 300 trang; tập hợp nhiều tác phẩm, bài viết ở các thể loại như: Hồi ký, nhật ký, nghị luận, truyện và thơ. Tác giả phần lớn đều từng là chiến sĩ quê gốc Hà Nội thuộc Quân tăng cường Thủ đô trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược.   

Có thể coi là may mắn khi tôi được một cựu sĩ quan quân đội gửi tặng 5 tập sách đáng quý trên. Thật sự tôi rất xúc động, vì đã từng nghe nói chuyện về việc Thủ đô có một đội quân bổ sung cho lực lượng chiến đấu ở miền Nam, cả trên đất bạn Lào và Campuchia, khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn quyết liệt. Chính nơi tôi đang sống (Huyện Đông Anh- Hà Nội) có hàng ngàn người lính gia nhập đội quân tăng cường, trong đó có những người tôi từng biết hoặc nghe giới thiệu như các ông: Nguyễn Văn Quang, Đỗ Tân Lập, Nguyễn Văn Hân, Nguyễn Đình Tòng, Đặng Trung Lạc, Lê Huy Bùi, Nguyễn Quốc Đáng, Trần Văn Nhiếp, Hoàng Viết Tuất, Đào Văn Oanh, Lê Văn Bào, Đặng Văn Luân, Lại Duy Bến… Đặc biệt, cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Quyết, nguyên chiến sĩ tiểu đoàn 2, Quân tăng cường Thủ đô, quê ở xã Liên Hà- Đông Anh- Hà Nội, đã từng bắt sống đại tá Nguyễn Văn Thọ- Tư lệnh Lữ đoàn dù 3 quân Ngụy trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào đầu năm 1971… Hàng trăm người con của quê hương tôi đã ngã xuống nơi chiến trường khói lửa, trong đó có nhà giáo, người chú đáng kính của tôi- ông Nguyễn Hữu Ngôn (hi sinh năm 1972). Họ cùng với đồng đội đã trở thành niềm tự hào của Đông Anh nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung.

Với KÝ ỨC CHIẾN TRANH, những cựu chiến binh Quân tăng cường Thủ đô đã thực hiện được một việc vô cùng ý nghĩa. Đó là làm sống lại lịch sử bằng hồi ức về những gì họ đã trải qua trên các mặt trận. Mỗi chuyện người lính kể, đều là sự việc có thật mà họ là người trong cuộc hoặc trực tiếp chứng kiến. Họ kể chuyện của mình, của đồng đội, chuyện của người còn sống và cả người đã hi sinh, chuyện về quân ta, quân địch với những tiến lui, thành bại của 2 phía… Tất cả đều có giá trị minh họa cho chủ trương chiến lược, sách lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương; đồng thời phản ánh sống động nhiều sự kiện, trận chiến lớn nhỏ từng tạo nên dấu ấn, hoặc “tính chất bước ngoặt” trên chiến trường Nam bộ thời ấy. Lối viết của các tác giả không bị áp lực bởi suy nghĩ là cần phải khoa học, bài bản, chau chuốt, chọn lọc… mà vô tư (theo kiểu lính tráng) nói, kể, mô phỏng những gì mắt thấy tai nghe, diễn tả những cung bậc tình cảm rất đời thường của bản thân và đồng đội. Văn, thơ của những cựu binh vừa rắn rỏi lại vừa mộc mạc giản dị, giàu tình cảm, song cũng thật hào hoa và không kém phần lãng mạn (nét đặc điển sẵn có của những chàng trai ra đi từ đất học Hà thành). Vì thế, tác phẩm của họ có sức thuyết phục và truyền cảm hứng mạnh mẽ tới độc giả.

          Tôi đã đọc 5 cuốn của bộ sách, có truyện có đoạn văn, bài thơ tôi đọc đi đọc lại. Tuy chưa hiểu hết những ngôn từ, thuật ngữ thuộc lĩnh vực quân đội mà các “tác giả lính” đã sử dụng, nhưng về cảm xúc, tôi bị cuốn theo những dòng chữ như còn đang ấm nóng hơi thở của hiện thực. Tôi đặc biệt thích những trang nhật ký của họ. Ở đó, sự việc diễn ra mỗi ngày được người lính ghi lại theo kiểu “tốc ký”, cụ thể, ngắn gọn, không văn chương hoa mỹ, nhưng giúp cho người đọc có cảm giác như đang được tiếp xúc trực tiếp, được sống cùng với người lính, chứng kiến rõ ràng sự việc họ trải qua và vui buồn cùng với họ. Tôi cũng bị cuốn hút bởi nhiều bài viết mang tính chất hồi ký (kể những chuyện có thật mà tác giả còn nhớ và lưu trong ký ức). Các sự việc  trong các bài viết đó dường như đều có ý nghĩa đặc biệt với người lính và để lại dấu ấn đậm nét trong tâm khảm của họ. Cách nhìn nhận đánh giá của tác giả đối với sự việc cũng khách quan và sâu sắc hơn, do có “khoảng lùi xa” về thời gian để suy ngẫm, chiêm nghiệm. Trong bộ sách còn có những tác phẩm chính luận của một số cán bộ quân đội cao cấp, giáo sư, nhà sử học. Người viết, với trình độ lý luận sắc bén, tầm nhìn chiến lược, lối tư duy biện chứng và cách đánh giá khoa học, khách quan, đã giúp người đọc hình dung toàn cảnh cục diện cuộc chiến cùng những đóng góp to lớn của Quân tăng cường Thủ đô đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Bộ sách đã đưa tôi trở về thập niên 60 của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn ác liệt. Mỹ- Ngụy bị thua đau trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1964). Chúng điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc và ồ ạt đưa hàng chục vạn quân vào Nam Việt Nam thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965). Nhiều cơ sở kinh tế ở miền Bắc bị bom đạn tàn phá, nhiều đoạn đường huyết mạch tiếp tế cho miền Nam bị hủy hoại… Trước tình hình nguy nan đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Chống Mỹ cứu nước” (17/7/1966). Trung ương Đảng khóa III đã nhanh chóng ra ra nghị quyết quan trọng, trong đó có đoạn:“ Thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cao lòng yêu nước căm thù giặc, quyết tâm vừa sản xuất vừa chiến đấu đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc; đồng thời chi viện sức người sức của cho miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược”. Hơn lúc nào hết, “Vì miền Nam ruột thịt”, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” đã trở thành lý tưởng sống của thế hệ thanh niên suốt những năm tháng bi thương và hào hùng đó. Quân tăng cường Thủ đô đã được thành lập trong hoàn cảnh như vậy, với yêu cầu nhiệm vụ rõ ràng là: Tuyển quân, huấn luyện, tổ chức hành quân vào miền Nam, giao quân bổ sung cho các đơn vị tham gia chiến đấu trên các chiến trường… Thanh niên Hà Nội rầm rộ nhập ngũ lên đường cứu nước. Họ là nông dân, công nhân, trí thức, học sinh, sinh viên, cả quân nhân tái ngũ. Trong vòng 8 năm (1967-1975), đã có 42 tiểu đoàn được thành lập với gần 30.000 cán bộ chiến sĩ được đào tạo bài bản, chất lượng, có sức khỏe, có ý chí chiến đấu cao; đóng góp sức mạnh to lớn cho lực lượng Quân giải phóng chiến đấu và chiến thắng trên nhiều mặt trận ở miền Nam, cả đất bạn Lào, Campuchia.

          Khi nói đến những người lính Thủ đô, trong đó rất nhiều người là học sinh, sinh viên, giáo viên, kỹ sư, bác sỹ… xung phong lên đường vào Nam chiến đấu, tôi không thể không liên tưởng đến những người chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến thời kháng chiến chống Thực dân Pháp. Họ cũng phần nhiều là thanh niên đất Hà thành, rời gia đình, nhà trường, phố phường yêu dấu, dấn thân vào cuộc kháng chiến gian khổ với tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh”. Họ “Tây tiến” để bảo vệ dải biên cương Tây Bắc của Tổ quốc. Còn các chiến sĩ trong Quân tăng cường Thủ đô lại hành quân “Nam tiến” với ý chí “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”. Người lính Tây Tiến năm xưa mang trong mình vẻ đẹp hào hùng mà lãng mạn, khí phách mà rất đỗi hào hoa:

                     “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành…”

                            (Trích bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng)

Người chiến sĩ Quân tăng cường Thủ đô cũng mang trong mình những vẻ đẹp đó của người lính Tây Tiến. Phần lớn trong họ được học dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc, được bồi dưỡng về Chủ nghĩa Mác- Lê nin và Lý tưởng Cộng sản, được huấn luyện bài bản về sử dụng trang thiết bị quân sự, khả năng tác chiến, vv… Vì vậy, họ đã bước vào cuộc chiến đấu tự tin, quả cảm và tràn đầy niềm lạc quan cách mạng:“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu).

          Có thể nói từ đoàn quân Tây Tiến thời chống Thực dân Pháp đến Quân tăng cường Thủ đô thời kháng chiến chống Đế quốc Mỹ đã cho thấy sự kế thừa và trưởng thành của quân đội ta nói chung, của những người chiến sĩ đất Hà thành nói riêng. Họ đã nối tiếp nhau phát huy truyền thống yêu nước, chống giặc giữ nước để bảo vệ nền độc lập tự do cho dân tộc.

          Nói đến chiến tranh, không chỉ nói đến chiến công, đến sức mạnh của chính nghĩa, của khối đoàn kết toàn dân tộc cùng ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ thù… Đằng sau những tấm huân huy chương, niềm tự hào và lời ngợi ca… còn là sự tổn thất, đổ máu, hi sinh. Khi còn là học sinh, tôi đã từng nghe một cựu lính bước ra từ cuộc chiến với tư cách là người chiến thắng nói: “Cảm xúc vui sướng, tự hào, hãnh diện sẽ qua mau, còn nỗi đau thì dai dẳng”. Khi đã trưởng thành, đi qua những trải nghiệm về cuộc sống, tiếp xúc với nhiều con người, số phận, tôi mới thấm thía điều xót xa ẩn chứa trong câu nói đó. Đây là những con số biết nói do nhà văn Đặng Trung Lạc (thương binh 1/4) cung cấp: “Chỉ tính riêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên địa bàn Hà Nội đã có 45 nghìn liệt sĩ, 30 nghìn thương binh, 14 nghìn cựu chiến binh bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam và 3227 cán bộ chiến sĩ bị tù đày” (Hậu phương ngày ấy). Quả là sự mất mát vô cùng to lớn. Tôi không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến 45 nghìn gia đình có người thân yêu không trở về sau ngày chiến thắng, đến những thương bệnh binh đã phải oằn lưng chịu gánh nặng của cuộc sống trong công cuộc xây dựng lại đất nước trên bao đổ nát do chiến tranh để lại. Rồi cả những dư chấn về tinh thần mà  người lính phải chịu, nỗi đau thương của người mẹ khi thân xác con mình còn nằm đâu đó nơi chiến trường xưa: 

                         Hỡi người lính của một thời máu lửa

                         Mỗi giấc đêm còn ám cảnh khói bom

                         Những đồng đội ngã xuống tuổi còn son

Nắm xương cốt mòn mỏi nơi hoang vắng. 

Bao người mẹ lặng thầm trong đêm trắng

Vọng nguyệt cao gọi hồn đứa con yêu

Lúc ra đi chưa làm được một điều

Rước đón con về quê cha đất tổ.

 (Trích bài thơ “Nghĩ về một thời chiến trận” của Phương Anh)                                          

Các chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước cho người có công với cách mạng, người thân của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh… không đủ để bù đắp những mất mát và tổn hại dài lâu mà người lính cùng thân nhân phải gánh chịu, nhưng đã là nguồn an ủi, động viên giúp họ vươn lên trong cuộc sống tiếp tục chiến đấu, lao động, công tác cống hiến cho xã hội.

Tôi được biết, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, không ít người lính Thủ đô còn ở lại quân ngũ, tham gia công cuộc bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc của tổ quốc. Những kinh nghiệm chiến đấu cùng với phẩm chất đẹp đẽ của bộ đội Cụ Hồ được tôi luyện trong binh lửa, đã khiến họ cầm chắc hơn tay súng, thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ lãnh thổ dân tộc. Không chỉ vậy, những chiến sĩ Thủ đô còn góp phần giải cứu nước bạn Campuchia khỏi nạn diệt chủng do tập đoàn phản động Pônpốt- Iêng xari gây ra, thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong sáng và cao cả. Tôi rất xúc động khi đọc những trang “Ký ức tiểu đoàn I Đông Anh chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc” của cựu binh Nguyễn Hữu Chế, nguyên thuộc tiểu đoàn 2- Quân tăng cường Thủ đô. Qua lời kể, trong tai tôi như vang ngân giai điệu bài hát “Ta đi vào cuộc chiến đấu mới” của quân nhân Nguyễn Như Tiền- Chính trị viên Đại đội 1 của Tiểu Đoàn 1 Đông Anh, sáng tác trên đường hành quân lên biên giới:

             Ta đi vào cuộc chiến đấu mới…

             Băng qua trăm núi ngàn sông

             Ta chiến đấu bảo vệ biên giới

            Ta chiến đấu bảo vệ Thủ đô

            Lòng ta gắn với mẹ hiền

Tình ta gắn với mọi miền biên cương…”

Ca khúc góp phần cổ vũ tinh thần chiến sĩ quyết tâm bảo vệ biên cương, chống quân xâm lược bành trướng Trung Quốc. Trận chiến bảo vệ vững chắc cao điểm 282 trên địa bàn huyện Văn Lãng tỉnh Lạng Sơn vào ngày mùng 3/3/1979 trở thành một trong những thắng lợi giòn giã đầu tiên của tiểu đoàn Đông Anh và quân đội ta trong chiến tranh biên giới kéo dài ngót chục năm (1979- 1988). Máu của chiến sĩ Thủ đô lại đổ sau mỗi trận đánh giành giật lại từng tấc đất, mỏm đá, từng quả đồi, ngọn núi, lũng, khe… Điều đau đớn nhất là kẻ xâm lược lại chính là những người bạn đã từng được ta tin tưởng, từng có mối quan hệ hữu nghị và cùng chung con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội… Chúng ta buộc phải chiến đấu vì sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của đất nước mình.

          Cũng sau 1975, khi Quân tăng cường Thủ đô đã kết thúc vai trò lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều người lính đã trở về cuộc sống lao động đời thường. Họ lại là nông dân, công nhân, nhà giáo, bác sỹ, kỹ sư hoặc tiếp tục việc học hành còn dang dở. Cuộc đời của họ theo những ngả rẽ khác nhau. Có thành công có thất bại. Người vươn tiếp lên đỉnh cao sự nghiệp, người vẫn bình dị với cuộc sống còn nhiều vất vả, lo toan. Nhưng dù ở vị trí nào, họ vẫn lưu giữ cho mình “Một thời chiến trận” với ý chí “thép” của người lính và tình đồng đội gắn bó keo sơn. Bộ sách KÝ ỨC CHIẾN TRANH đã dành đáng kể những trang viết về họ. Ta có thể bắt gặp nỗi day dứt của cựu binh Nguyễn Quốc Đáng khi đã 45 năm rồi vẫn chưa tìm được hài cốt của 2 đồng đội nằm lại chiến trường Quảng Trị và Tây Nguyên; niềm hạnh phúc được giúp đỡ đồng đội của doanh nhân thành đạt Phạm Văn Thảo… Ta cũng có thể gặp cựu binh Đinh Xuân Hương, dẫu tuổi đã cao nhưng vẫn miệt mài  tâm huyết với công việc giáo dục thế hệ trẻ... Khi đọc “Đồng đội ơi! Ta về với nhau” của nhà văn Đặng Trung Lạc, tôi không khỏi xúc động về tình cảm gắn bó của những người lính từng chung chiến hào một thời. Họ đã may mắn vượt qua cái chết để trở về quê hương, tạo lập cuộc sống gia đình. Mỗi người mỗi cảnh, điều kiện kinh tế cao thấp khác nhau, nhưng không ai quên ai. Họ vẫn dành thời gian để đồng đội về với nhau trong tình cảm ấm áp và thiêng liêng…Có thể nói, những người lính trong cuộc sống đời thường đã góp phần hoàn thiện vẻ đẹp rất đỗi tự hào của chiến sĩ Quân tăng cường Thủ đô nói riêng, của anh bộ đội Cụ Hồ nói chung.  

          KÝ ỨC CHIẾN TRANH có một số lượng không ít sáng tác nghệ thuật của các tác giả đồng thời là cựu quân nhân. Đáng chú ý là 2 thể loại truyện ngắn và thơ. Đọc tác phẩm của họ, tôi bỗng nhớ đến những câu thơ của Huy Cận:

                       “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững

                         Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa

Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng

Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa.”

Con người Việt Nam là vậy. Khi giặc đến, họ đeo gươm, khoác súng, lên đường ra tiền tuyến đánh đuổi quân thù. Lúc ngơi bom đạn họ “cầm bút thêu hoa”, thổi hồn trên những cuốn vở, trang sách. Dòng máu 4000 văn hiến không ngừng chảy trong họ, để khi có cơ hội thăng hoa thành những áng thơ văn…Với người lính, văn thơ là sức mạnh tinh thần cổ vũ chiến đấu. Những trải nghiệm đời lính cùng với bao xúc cảm ấm áp tình đồng chí, đồng đội nơi lửa đạn khói bom là nguồn cảm hứng để họ sáng tác văn thơ. Tôi tin bất cứ ai, khi đọc tác phẩm của họ, dù trong thời chiến hay thời bình cũng đều xúc động bởi tính chân thật của chất liệu hiện thực, sự chân thành về cảm xúc và chan chứa tình yêu con người, yêu cuộc sống…

Cuộc chiến chống quân xâm lược bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ trong nửa cuối thế kỷ 20 ngày càng xa dần vào dĩ vãng. Sẽ có nhiều điều lãng quên. Nhưng với chúng ta, những người yêu và có trách nhiệm với lịch sử, luôn mong muốn lưu lại nhiều nhất có thể về thời cứu nước hào hùng ấy, để chắt lọc phát huy các giá trị tốt đẹp, từ đó tiếp tục bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Những người lính Quân tăng cường Thủ đô đã thể hiện ý thức trách nhiệm trong việc đáp ứng mong muốn chính đáng ấy bằng những trang viết mộc mạc, chân thực và tràn đầy nhiệt huyết của họ. Với tư cách là một nhà giáo, tôi thiết nghĩ cần phải quan tâm hơn nữa giáo dục lòng yêu nước, bảo vệ đất nước, “Noi gương anh bộ đội Cụ Hồ” cho các học sinh, sinh viên. Để làm tốt điều ấy, giáo viên không chỉ đơn giản chuyển tải cho học viên những kiến thức có sẵn trong các tài liệu giáo trình mà Bộ Giáo dục cho phép sử dụng. Sẽ sinh động và hấp dẫn hơn nhiều nếu có thêm thông tin từ lời kể của nhân chứng lịch sử; từ những trang hồi ký, nhật ký hoặc các tác phẩm văn thơ của chính những người đã từng có mặt trong các sự việc, sự kiện của cuộc chiến mà lịch sử ghi lại. KÝ ỨC CHIẾN TRANH của các cựu chiến binh Quân tăng cường Thủ đô xứng đáng là tư liệu tốt để giáo viên, học sinh tìm đọc và giới thiệu trong nhà trường.

Ngót nửa thế kỷ trôi qua, kể từ khi Bắc Nam liền một dải. Thời gian với những thăng trầm của cuộc sống, dần bào mòn đi những gì gọi là phù phiếm, giả dối, cả sự thô nhám, sần sùi, xấu xí… để giữ lại các giá trị cốt lõi chắc khỏe, đẹp đẽ và bền vững về một thời chống Mỹ của bộ đội ta, trong đó có lực lượng Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội. Tôi tin rằng, các thế hệ sau luôn biết trân trọng, lưu giữ, phát huy để những giá trị ấy mãi tỏa sáng… Sau đây, thay cho lời kết, tôi xin mời bạn đọc cùng tôi trở về con đường Trường Sơn năm xưa, cảm nhận những vần thơ hào sảng, kiêu hùng cất lên trong mưa bom bão đạn của người lính đất Hà thành thời chống Mỹ :

                       “…Đường ta đi- con đường bom đạn

Lửa ngút rừng già, lửa đỏ dưới chân

Tiếng bom xa chen tiếng đạn nổ gần

Ta vẫn bước trong niềm hồ hởi. 

Gì ngăn được bước chân ta sôi nổi

Những bước chân đạp gai góc Trường Sơn

Dù gian lao, bom đạn chẳng sờn

Dồn chân bước- chiến trường xa đang gọi.”

(Trích bài thơ “Đường chúng ta đi” của Bùi Thượng Toản- Cựu bộ đội Quân tăng cường Thủ đô, sáng tác tại Trường Sơn, tháng 3/1972)                                                                                               

                                                                                                   Đông Anh, ngày 03/11/2021

                                                                                                             

                                                                                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét