Powered By Blogger

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

Cảm nhận về bài thơ “Tìm đò” của Nguyễn Thi Kim Dung

                                                                                                            Nguyễn Thị Phương Anh

           Tình cờ, tôi có một thi phẩm chép tay từ một người bạn. Bài thơ có nhan đề “Tìm đò”, viết theo thể lục bát, gồm ba khổ. Tên tác giả là Nguyễn Thị Kim Dung.

          Bài thơ không mới về thể loại, đề tài. Ngôn từ dung dị. Hình ảnh quen thuộc. Vậy mà không hiểu sao, ngay lần đọc đầu tiên, tôi có một cảm giác bâng khuâng khó tả. Nó khiến tôi phải đọc lại, rồi đọc lần nữa… Cứ như thế, từng dòng thơ ngấm dần, thôi thúc tôi cầm bút viết nên những điều cảm nhận này.

          Có thể nói, người đọc dễ dàng nắm bắt được khởi nguồn thi cảm ngay từ nhan đề bài thơ. Đó là cuộc trở về nơi sông nước quê hương của một người muốn tìm lại con “đò xưa”. Môt cuộc kiếm tìm  ngược về quá khứ…

Chúng ta ai cũng biết, trên mảnh đất hình chữ S, hầu như nơi nào cũng có nguồn nước là các sông suối kênh rạch lớn nhỏ. Ở đâu có nguồn nước, ở đó có thôn làng, có cộng đồng người sinh sống. Từ xa xưa, thuyền đò đã là một phương tiện đi lại không thể thiếu của người Việt. Vì thế, nó trở thành yếu tố định hình một không gian vốn từng gắn bó với sinh hoạt thường ngày của hầu hết người vùng quê. Và như một lẽ tự nhiên, nó đi vào niềm thương nỗi nhớ của nhiều người. 

Ở khổ 1, tác giả để nhân vật “tôi” (chủ thể trữ tình) xuất hiện ngay từ chữ đầu tiên.:“ Tôi về tìm lại bến xưa”. “Tôi”  đang từ hiện tại tìm về nơi xưa với dòng sông, bến nước, con đò, để hi vọng thấy “em”, gặp “em” cùng những kỷ niệm của một thời son trẻ. Dòng sông muôn thuở vẫn đó, nhưng đò xưa đâu còn: “Đâu rồi kè đá đò đưa đôi bờ”. Cảnh đã thay đổi theo biến thiên thời cuộc và cũng đâu thấy “em”- người mà “tôi” mong đợi: “Tìm em đâu thấy bây giờ”. Có sự ngẩn ngơ, hẫng hụt và cả chút tủi thân, xa xót của chủ thể trữ tình khi nhận ra:“ Đò xưa bến đợi ai mơ ai tìm”. Vì có ai đâu ngoài anh còn mơ, còn đi tìm và nặng lòng với “em”, nặng lòng với nơi đã từng in dấu tình yêu đầu đời. Đại từ phiếm chỉ “ai” sử dụng tới 2 lần trong một câu thơ để tránh nói thẳng ra là “tôi”, phải chăng tác giả muốn làm dịu đi phần nào nỗi buồn cô lẻ đang hiện hữu trong tâm hồn nhân vật. Những câu thơ lục bát gối nhau theo nhịp chẵn, kết hợp âm từ trầm bổng, như mô phỏng con sóng đang vỗ nhẹ vào bờ rồi duỗi ra xa dập dờn theo dòng chảy. Nó cũng gợi được cả những “cơn sóng” đang cồn lên da diết trong lòng người. Điệp từ “đâu” được nhắc đi nhắc lại trong các cụm từ: “Đâu rồi”, “đâu thấy” biểu đạt sự tìm kiếm rơi vào vô vọng. Vô vọng bao nhiêu thì nỗi nhớ càng dâng trào, khắc khoải bấy nhiêu…

          Ở khổ 2, sự bất thành trong việc tìm lại cảnh cũ người xưa khiến nhân vật “tôi” quay lại đối diện với hiện tại để trải lòng mình. Hiện tại ấy chính là cây cầu bắc ngang con sông:    

                                             “Thay đò cầu bắc lặng im

                                      Cầu bao nhiêu nhịp, con tim bồi hồi”.

Cuộc sống phát triển, cầu được dựng lên vững chãi ngay trên khúc sông có bến đò thuở trước. Cây cầu trở thành niềm vui của hiện tại, bởi nó giúp cho việc đi lại thuận tiện và cuộc mưu sinh đỡ vất vả hơn. Nhưng với lớp người bắt đầu vào độ tuổi “xưa nay hiếm” thì lại mang tâm trạng khác. Vì tuổi trẻ của họ từng gắn với những chuyến đò cùng bao kỷ niệm thân thương của một thời vất vả, thiếu thốn nhưng chan chứa nghĩa tình. Tâm lý hoài niệm thường trực khiến họ muốn tìm về quá khứ, muốn sống lại thuở hoa niên với những rung động đầu đời để thương để nhớ. Và con đò xưa với họ luôn là hình ảnh trân quý không gì có thể thay thế. Vì vậy, bước theo từng nhịp cầu mà trái tim “bồi hồi” thổn thức. Từ trên cầu đón những làn gió sông thổi lồng lộng mà thấm thía sự trống trải cô đơn khi nhận ra:   

                                          “ Gió đưa lời hứa về trời

  Còn đâu thủ thỉ những lời yêu thương”

          Khổ cuối của bài thơ làm tôi thật sự xúc động: 

Con đò manh mỏng đêm trường

Dạt trôi liệu có rộng đường thênh thang

Để cho tâm tưởng mênh mang

Ước ao gặp lại đò ngang một lần.

 Tác giả, bằng cảm thức chân thật mang tính thẩm mỹ, đã đồng hóa “em” vào con đò. Không hẳn là “đò xưa” mà là con đò vẫn đang tồn tại trong suốt tháng năm xa cách cho đến bây giờ. Dẫu không hiện ra trước mắt nhưng nằm trong tâm tưởng của người nghĩa nặng tình sâu. Chủ thể trữ tình “tôi” đã vượt qua “cái tôi” của chính mình để nghĩ cho “em”, quan tâm, lo lắng cho người mà mình yêu dấu. “Con đò” (tức là em) “manh mỏng” yếu đuối, liệu có vượt qua được những tăm tối, sóng gió của cuộc đời? Liệu “em” bấy lâu nay có êm ấm an lành? Và giữa mênh mang sông nước “tôi” càng muốn gặp lại “em” dẫu chỉ một lần để được biết cuộc sống của “em” như thế nào. Nếu em được hạnh phúc anh mới yên lòng. Đó là niềm “Ước ao” xuất phát từ tình cảm sâu sắc, chân thành và thấm đượm chất nhân văn.

          Bài thơ mang một nỗi buồn sầu thương nhớ, nhưng không hề ủy mị yếu đuối. Có lẽ là vì ở một mức độ nào đó, nó cho ta thấy ánh lửa ấm áp của một tình yêu đích thực mà năm tháng và sự cách xa không thể làm phai nhòa. Trong tác phẩm, không có sự đột phá mang tính sáng tạo về nghệ thuật. Thể loại, ngôn từ, hình ảnh đều đã quen thuộc. Nhưng với sự bộc lộ tâm trạng giản dị, chân thật, có chiều sâu về cảm xúc, bài thơ vẫn có chỗ đứng xứng đáng trong lòng người đọc.

……………………. ………………

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét