Powered By Blogger

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

MỘT VÀI CẢM NHẬN VỀ THƠ HAIKƯ CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM QUA TUYỂN TẬP “BAN MAI XANH”

                                                                   Nguyễn Thị Phương Anh

Trong dòng chảy Haikư trên đất Việt, có sự tham gia của không ít các tác giả nữ. Vậy họ là ai? Và họ đã làm được gì?

 Trước tiên, cần khẳng định, đó là những người yêu thơ, có năng lực sáng tác. Họ đã ít nhiều được tiếp cận với nền Văn học Nhật Bản, nhất là thể loại thơ Haikư - Quốc thi của “Xứ sở mặt trời mọc”. Tâm hồn tinh tế của họ đã bắt nhạy với những điều ẩn chứa sâu xa mang tính triết mỹ của loại thơ vô cùng hàm súc này. Phần nhiều số họ đã tham gia các câu lạc bộ Haikư Việt theo quy mô lớn nhỏ, đang được hình thành và phát triển ở một số tỉnh thành Bắc- Trung- Nam, mà điển hình là 3 câu lạc bộ Haikư Việt của thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và thành phố Nha Trang. Các tác giả nữ, mỗi người một ngành nghề, có vị trí xã hội, trình độ học vấn và cả hoàn cảnh gia đình không giống nhau, nhưng cùng chung sự quan tâm, yêu thích thơ Haikư và muốn dùng nó để chuyển tải những thông điệp ý nghĩa về thiên nhiên và cuộc sống con người.

Có thể nói, sáng tác của các haijin nữ là thành tựu không thể phủ nhận. Và để khẳng định điều đó với một niềm trân trọng đặc biệt, Câu lạc bộ Haikư Việt Hà Nội đã quyết định cho ra đời tuyển tập Haikư đầu tiên của các tác giả nữ người Việt có nhan đề “Ban Mai Xanh”. Tập thơ gồm 539 bài của 28 tác giả. Trong đó có 2 nữ cộng tác viên người Nhật Bản và Bồ Đào Nha (bà Sayumi Kamakura và bà Zlatka Timenova). Cuốn sách được in tại NXB Hội Nhà văn và chính thức ra mắt người đọc vào tháng 12/2021.

“Ban Mai Xanh” có lẽ đã gây ấn tượng cho người đọc ngay từ trang bìa. Họa tiết giàu tính nữ, tinh tế trong đường nét, màu sắc gợi sự chuyển đổi thiên nhiên qua 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhan đề sách tạo nên cảm giác về sự khởi đầu tươi mới, dịu dàng, hứa hẹn triển vọng tốt đẹp. Và khi đến những trang thơ các tác giả nữ, chúng ta không thể phủ nhận lời của nhà phê bình Nhật Chiêu: Một “Ban Mai Xanh” rất thơ.

Nói đến thơ là nói đến ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu, sử dụng đa dạng các biện pháp tu từ để biểu đạt những rung động tình cảm sâu sắc, tinh tế của con người…Không ít độc giả Việt Nam khó nhận ra hình hài thơ trong thể loại Haikư rất kiệm lời này. Có thể nói Haikư đến với người đọc bằng tứ, bằng điều hàm ẩn hơn là ở phô bày sự tường minh chữ nghĩa. Cảm xúc trong Haikư là thứ cảm xúc lý trí, được bắt nguồn từ những rung động mang tính khám phá phát hiện của tác giả, rồi chắt lọc cô lại ở mức độ “tinh chất” để thành thơ. Tiếp nhận loại thơ này đã xuất hiện 2 xu hướng từ người đọc Việt: Một là “cao siêu hóa” coi Haikư vượt quá tầm nhận thức, cảm thụ. Hai là “đơn giản hóa”, coi nó chỉ là câu nói có vần hoặc không có vần về một điều gì đó cảm thấy có ý nghĩa, không cần khổ công học hỏi luyện bút mới làm được. Cả hai xu hướng trên đều có chung một hệ quả là độc giả kém nhiệt tình với việc tìm đọc Haikư, họ muốn chuyên tâm vào những áng thơ Việt gần gũi và hợp với cách cảm cách nghĩ hơn. Vậy mà một bộ phận các tác giả nữ lại tìm đến Haikư để say mê và sáng tác. Họ thoát khỏi 2 xu hướng trên, kéo Haikư gần với người Việt bằng những tác phẩm giàu xúc cảm thẩm mỹ và không kém phần sâu sắc. 

Giống như các haijin người Nhật, các nữ Việt đã đi tìm cảm hứng trong thiên nhiên tạo vật. Ta có thể nhận ra, thiên nhiên trong tác phẩm của họ không phải chỉ là sự tồn tại khách thể. Nó đẹp hơn, trữ tình và hùng vĩ hơn khi được giao hòa với con người.Và nhờ có thiên nhiên, con người mới bộc lộ được niềm khát khao, cảm hứng vô bờ của mình.

Nói đến biển, bất cứ ai cũng có thể hình dung ra những cảnh như: sóng, con thuyền và chim hải âu. Nhưng khi được nhìn bằng con mắt của một người mang niềm khát khao trải nghiệm, khám phá, muốn vươn tới tầm cao mới…thì thiên nhiên quen thuộc ấy hiện lên bằng hình ảnh mang sắc thái mới lạ và rạo rực lòng người: Con thuyền/ trườn trên ngực sóng/ chạm cánh Hải Âu. (Phương Anh)

Trăng vốn là thực thể xa ngắm. Nhưng với haijin Lê Thị Bình, trăng vời vợi kia dường như hóa thân vào cây cỏ quanh ta. Mỗi một chiếc lá vàng đều như chứa trong đó cái hồn của trăng vậy, để mỗi khi cầm chổi quét lá lại như nghe tiếng trăng xào xạc dưới chân mình. Chỉ là chấm phá đôi ba nét cũng đủ giúp người đọc hình dung người cầm chổi đang nương tay nhẹ chân như thế nào để khỏi làm trăng đau: Quét lá vàng rơi/ những mảnh trăng/ xào xạc dưới chân.

Thời gian chảy không ngừng, vạn vật cũng không ngừng biến đổi. Hoa vừa mới nụ nhưng sẽ nhanh nở rồi tàn, hạt sương long lanh dưới ánh mặt trời rồi sẽ tan mau vào hư không. Chỉ người có tấm lòng yêu say cái đẹp, muốn níu giữ cái đẹp mới có bài thơ sau làm rung động lòng người: Nụ đào phai/ sương mai/ ngấn lệ. (Thu Sang). Hình ảnh“ngấn lệ”không đơn giản là “lệ sương” theo liên tưởng so sánh quen thuộc. Nó còn gợi được tâm trạng xót xa nuối tiếc và cả sự bất lực của con người khi nhìn thấy cái đẹp đang mất dần theo quy luật khắc nghiệt của tạo hóa…

Còn đây là một trải nghiệm trên sông nước. Con thuyền và trăng là những hình ảnh nên thơ, mang sắc màu cổ điển. Nhưng với Phượng Uyên lại có sức đột phá sáng tạo, gợi một vẻ đẹp trẻ trung, đa tình: Giữa dòng/ thuyền neo/ trăng treo lúng liếng. 

          Ở tập Ban mai xanh, còn nhiều bài thơ viết về thiên nhiên mà ẩn sâu trong đó những cảm xúc tinh tế giàu chất nhân văn của các tác giả nữ. Nó thức dậy những trải nghiệm trong lòng người đọc, và quan trọng hơn, khiến cho tâm hồn ta trở nên thanh sạch, biết trân trọng những cái đẹp cho dù là nhỏ bé nhất. 

           Không chỉ viết về thiên nhiên, thơ cảm nhận về cuộc đời của chị em cũng không kém phần sâu sắc và phong phú. Đây là bài thơ vô cùng ngắn của tác giả Hồng Đào: Thắng thua/ lẽ đời/ vô tư. Chỉ là 6 âm tiết Việt, nhưng ẩn chứa trong đó bản lĩnh, thái độ sống của một người đàn bà đã từng trải, thấu suốt những buồn vui của cuộc đời và xác định cần vững vàng để đi tiếp con đường của mình.

          Suy ngẫm về vị trí của người phụ nữ trong gia đình, nhà thơ Nguyễn Thị Kim viết: Người đàn bà/ cái bóng của chồng con/ không còn tiếng nói. Tác giả đã nhìn sâu vào cuộc sống của nhiều người đàn bà để nhận ra sở dĩ họ không được tôn trọng, lép vế trước chồng con là vì họ quá nhường nhịn, cam chịu, không biết vươn lên tự khẳng định mình. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng giới mà xã hội hiện đại văn minh lên án.

Tác giả Lài Linh Chi lại có một đúc kết khác, có lẽ từ chính mình, để khẳng định một cái tôi tự chủ rất mạnh mẽ: Leo núi cao hay xuống vực sâu/ thành bại/ do ta quyết định. Với tư cách là người phụ nữ, hẳn Linh Chi cũng muốn gửi gắm thông điệp: Người đàn bà có thể và hoàn toàn có quyền định đoạt số phận của mình.

         Với người phụ nữ, không thể sống thiếu tình yêu. Khát vọng về tình yêu luôn chảy trong họ ngay cả lúc tuổi đã về chiều. Đây là một chút bâng khuâng luyến tiếc khi trở về nơi ghi dấu một thời xanh: Đồi cát trắng/ trăng xưa/ lời yêu chưa ngỏ.(Thạch Lựu) Chỉ bằng 2 hình ảnh: đồi cáttrăng nhưng tác giả đã tạo ra một không gian không chỉ là hiện tại mà còn là quá khứ cùng với sự tĩnh lặng vô biên của đất trời để từ đó lắng nghe tiếng lòng hoài niệm với bao nuối nhớ.

        Tình yêu tạo niềm hạnh phúc vô bờ song cũng để lại không ít buồn sầu, cả nỗi đau khó có thể lành lại. Nếu như vầng trăng từng chứng giám cho lời thề nguyền gắn kết lứa đôi, thì đêm chia tay, chỉ có đom đóm chập chờn, chẳng đủ nhen lên dù chỉ một chút hi vọng, bởi tình yêu chẳng thể níu giữ được nữa rồi: Bầy đom đóm bay/ hai người hai hướng/ không một lời buông (Quỳnh Như). Mỗi người một hướng, sự chia tay trong lặng lẽ. Hình ảnh “Không một lời buông” rất đắt giá. Nó khẳng định sự cạn lời, cạn tình đến tuyệt đối của 2 con người đã từng nặng lòng yêu nhau. Không một từ nào biểu đạt trực tiếp trạng thái tình cảm, nhưng bài thơ vẫn đủ sức làm quặn thắt trái tim của người đọc.    

          Tình yêu khi đã không còn thì dẫu có bên nhau trong tấc gang cũng đâu phải là gần gũi. Khoảng cách về tâm hồn là thứ không thể dùng vật chất để nối liền. Và đó chính là sự mất mát, trống trải khủng khiếp mà người phụ nữ từng phải đối mặt: Cách một vòng tay/ trống hoác/ cả tâm hồn này (Như Trang)...

          Có thể nói, “Ban Mai Xanh” đã ghi nhận thành tựu đáng trân trọng và năng lực dồi dào của các tác giả nữ Việt trong sáng tác thơ Haikư. Với 539 bài thơ gửi gắm tâm huyết của 28 nữ haijin thì những cảm nhận trên là chưa đủ. Phải có một chuyên luận dài may ra mới nói được sâu, đánh giá được toàn diện thơ Haikư của chị em. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin phép được dừng bút và mong rằng độc giả coi điều tôi trình bày như là sự gợi mở hướng tiếp nhận, để từ đó tìm đọc và khám phá nhiều hơn, sâu sắc hơn về những áng thơ của các haijin nữ Việt Nam.

 

……………………………………………………………………………

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét